Bò sát Loài xâm lấn

Trăn Miến Điện

Trăn Miến Điện (Python molurus bivittatus) là phân loài lớn nhất của trăn Ấn Độ trong chi Python và một trong 6 loài rắn lớn nhất thế giới, đây là loài xâm lấn dữ dội ở Hoa Kỳ. Nhiều con đạt chiều dài tới hơn 6 m và khối lượng tới 90 kg. Một số tài liệu ghi nhận các trường hợp trăn có nguồn gốc từ Myanmar giết chết người. Nó thuộc nhóm động vật xâm lấn hoặc có khả năng xâm lấn rất mạnh. Điều này có nghĩa là chúng có thể sống sót và sinh sản ở nhiều khu vực khác nhau. Chúng đạt tới độ tuổi trưởng thành rất nhanh và đẻ nhiều con. Do khả năng ngụy trang của chúng tốt nên con người rất khó nhận ra chúng.

Sự nguy hiểm nó còn thể hiện ở chỗ, lực lượng cảnh sát ở Nam Florida (Mỹ) đã bắt được một con trăn Miến Điện dài 12 feet (khoảng 3,65m), nặng 120 pound (khoảng hơn 54 kg) được cho là đã ăn thịt những con mèo của người dân trong vùng. Những con trăn đang làm giảm số lượng các loài động vật có vú bản địa ở vùng đầm lầy. Số lượng rắn và trăn tăng lên là do loài này từng được nuôi làm thú cưng rồi bị bỏ rơi do lớn quá nhanh, còn số khác thì bị xổng khỏi các cửa hàng bán thú nuôi trong cơn bão Andrew và đã nhanh chóng sinh sản.

Từ năm 1999 đến 2004, hơn 144.000 con trăn Miến Điện đã được nhập khẩu vào Mỹ như một loài thú cưng đáng yêu. Người dân Mỹ, đặc biệt là bang Florida, hết sức thích thú với loài này trước khi nhận ra chúng là một quái vật ăn thịt khổng lồ có thể phát triển tới hơn 6m. Nhiều người đã thả chúng ra tự nhiên, gây nên hậu quả là có khoảng 150.000 con trăn Miến Điện đang lang thang khắp bang, chúng cố gắng nuốt chửng mọi thứ, từ gấu trúc, thỏ, thú có túi ôpôt cho đến hươu nai và thậm chí cả cá sấu.

Rắn cây nâu

Rắn nâu leo cây (Boiga irregularis): Có nguồn gốc từ úc và Papua New Guinea, loài rắn này nổi tiếng vì khả năng trà trộn vào hàng hoá, lên các chuyến bay và đến nhiều nước trên thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai Úc và một số nước Đông Nam Á vô tình mang rắn cây nâu sang lãnh thổ Guam, Mỹ nơi không tồn tại loài động vật nào có thể khuất phục chúng, chúng bao phủ toàn bộ hòn đảo vốn trước kia hoàn toàn không có loài rắn. Loài rắn nâu leo cây này đã và đang làm thay đổi hệ sinh thái trên cạn và phá hoại hệ thống cung cấp điện của Guam. Kể từ khi có mặt ở đây, rắn cây nâu đã ăn hết hơn một nửa các loài chim, thằn lằn bản địa của Guam và khiến 2/3 số loài dơi ở đây gần như tuyệt chủng.

Với hơn 13.000 cá thể ở khắp nơi trên đảo, chúng tấn công vào nhà ở của người dân, gây nguy hiểm đến trẻ nhỏ và gây kinh hoàng cho người lớn. Chúng cũng là thủ phạm gây ra các vụ mất điện làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, thương mại và quân đội tại khu vực. Chúng săn gần như cạn kiệt hoặc thậm chí làm tuyệt chủng các loài động vật trong các khu rừng bản địa. Số lượng động vật hoang dã trên hòn đảo ở phía nam Thái Bình Dương giảm rất nhanh. Nhiều loài động vật có vú, chim, thằn lằn là những con vật mà rắn bắt để ăn thịt thì lại đóng vai trò to lớn đối với hoạt động thụ phấn và phát tán hạt. Sự biến mất của chúng làm giảm số lượng thực vật trên đảo Guam. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra ở nhiều khu vực khác của Mỹ nơi nhiều động vật nhỏ chưa biết cách đối phó với kiểu săn mồi của chúng. Những động vật bản địa chưa có kinh nghiệm phát hiện rắn khổng lồ và chiến thuật rình mồi của chúng.

Rùa tai đỏ

Những con rùa tai đỏ được người dân phóng sinh xuống Hồ Gươm, chúng nhanh chóng phát triển và đe dọa sự tồn tại của những cụ Rùa Vàng

Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) là loài động vật nguy hiểm trên thế giới, rùa tai đỏ xuất xứ từ Bắc Mỹ, có thể sống từ 50 đến 70 năm. Khuyến cáo của một số cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới, rùa tai đỏ là loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nếu bị phát tán ra ngoài môi trường. Là một loài vật nuôi thông dụng và do đó đã phát triển ở nhiều vùng trên thế giới và trở thành đối thủ cạnh tranh với các loài rùa nước bản địa.

Đây là loài ăn tạp và có thức ăn gồm côn trùng, tôm, giun, ốc sên, lưỡng cư và cá con cũng như cả thực vật thuỷ sinh. Khi thoát ra tự nhiên, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái. Ngoài ra, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella(chỉ khi mội trường sống có vi khuẩn salmonella thì rùa tai đỏ mới nhiễm bệnh và lậy truyền), loại gây bệnh thương hàn cho người. Loài thủy sinh vật ngoại lai đã được phát hiện ở Việt Nam từ năm 1997, chủ yếu nuôi với mục đích làm cảnh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Loài xâm lấn http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/chuyen-la/oc... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/huan-luyen-c... http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/22686... http://m.nld.com.vn/khoa-hoc/nuoi-bo-sat-doc--la-t... http://www.ngheandost.gov.vn/news/ar12780_Sinh_vat... http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.... http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/moi... http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu-22-2011... http://thvl.vn/?p=160677 http://thvl.vn/?p=16298